Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

Siết chặt quản lý tình trạng chậm, hủy chuyến bay

Siết chặt quản lý tình trạng chậm, hủy chuyến bay Thứ tư, 19/08/2009 8:42 AM Ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải hàng không của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cho biết, cơ quan này đang hoàn tất việc soạn thảo quy chế buộc các hãng hàng không trong nước phải báo cáo về tình trạng chậm và hủy chuyến bay để làm cơ sở cấp phép cho việc tăng chuyến, mở rộng đường bay của các hãng.

Nhiều khi hành khách phải chờ đợi hàng giờ mới được lên máy bay do chuyến bay bị hoãn. (Ảnh minh họa)

Nhiều khi hành khách phải chờ đợi hàng giờ mới được lên máy bay do chuyến bay bị hoãn. (Ảnh minh họa)

Ngày 18/8, Ông Cường cho biết về các biện pháp hiện tại và sắp tới để xử lý tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không trong nước đang khiến dư luận bức xúc trong thời gian gần đây như sau.

- Cục Hàng không có biện pháp gì để xử lý tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không nội địa đang có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây?

- Ông Võ Huy Cường: Quyết định số 10 do Bộ Giao Thông Vận tải ban hành vào năm 2007 đã quy rõ trách nhiệm cho các hãng hàng không Việt Nam nói riêng và các hãng hàng không nói chung để giảm bớt thiệt hại cho hành khách đối với trường hợp khách bị từ chối vận chuyển hoặc chuyến bay bị hủy mà không phải do lỗi của họ. Các cảng vụ cũng đã được giao trách nhiệm giám sát các hoạt động bay và tình trạng chậm trễ, hủy chuyến của các hãng hàng không.

Hiện Cục Hàng không đang hoàn tất soạn thảo quy chế buộc các hãng hàng không phải báo cáo với Cục Hàng không về các chuyến bay bị chậm, hủy. Cục Hàng không dự kiến sẽ hoàn tất quy chế này vào cuối tháng 8, trước khi trình lên Bộ Giao thông Vận tải xem xét. Quy định này bổ sung cho Luật Hàng không đã quy định rõ trách nhiệm các hãng hàng không phải báo cáo tình trạng chậm, hủy chuyến. Luật thì đã có nhưng cần phải có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.

- Cục Hàng không sẽ có biện pháp xử phạt nào nếu các hãng có quá nhiều chuyến bay bị chậm, hủy?

- Số lượng bị chậm, hủy sẽ là căn cứ để Cục Hàng không xem xét trong quá trình cấp phép tăng chuyến và mở rộng đường bay của các hãng sau này. Trong quy trình cấp phép chúng tôi cũng xem xét về kỹ thuật, khả năng khai thác bay trong đó có báo cáo chậm hủy chuyến của các hãng hàng không bên cạnh các tiêu chuẩn khác.

- Hiện nay, theo quy định thì mỗi hành khách được bồi thường tối đa 300.000 đồng nếu chuyến bay bị hủy, thấp hơn nhiều so với thiệt hại mà họ phải chịu. Ông nghĩ thế nào?

- Có rất nhiều lý do cho việc chậm, hủy chuyến bay: do thời tiết, lỗi kỹ thuật… Đây là những trường hợp bất khả kháng và là những sự cố thường xảy ra cho toàn ngành hàng không thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Trong bối cảnh tăng cường an toàn hàng không thì bất cứ một lỗi kỹ thuật nhỏ nào cũng phải được kiểm tra và khắc phục để tránh sự cố và hậu quả lâu dài.

Thường một máy bay không phải chỉ sử dụng cho một chặng bay mà là nhiều chặng trong mạng đường bay của hãng nên bất cứ một sự cố nào có thể là do kỹ thuật, thời tiết, khả năng tiếp nhận của sân bay… cho một chuyến bay thì có khả năng gây ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chặng và chuyến bay khác của một hãng.

- Vậy phải chăng thiếu máy bay là một trong các nguyên nhân của chậm, hủy chuyến hàng loạt của các hãng hàng không trong nước?

- Đúng là có tình trạng như thế. Do vậy, các hãng phải cần hợp tác với nhau để chuyển khách qua các hãng khác trong trường hợp chậm, hủy chuyến. Ví dụ như hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) sẽ chuyển khách qua các chuyến bay của Vietnam Airlines khi tàu bay của họ bị trục trặc theo thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã ký trước đây.

- Nhưng có ý kiến cho rằng việc chậm, hủy chuyến bay gần đây cũng do các hãng dồn khách lại để giảm chuyến bay khi không đủ khách và để hạn chế lỗ khi cung vượt cầu trong lúc khó khăn như hiện nay?

- Cũng khó để khẳng định điều này vì không có bằng chứng cụ thể. Trong trường hợp bị trục trặc kỹ thuật thì các hãng sẽ phải sắp xếp cho khách đi chuyến bay sớm nhất tùy thuộc vào sự linh hoạt của mỗi hãng. Trong vận chuyển hàng không thì hành khách có thể được bố trí cho đi chuyến bay sớm hơn hoặc sau đó nếu một chuyến bay nào đó bị hủy tùy vào thỏa thuận của khách hàng và các hãng vận chuyển.

- Vậy để bảo vệ quyền lợi của mình, hành khách nên làm gì nếu họ không hài lòng với cách mà các hãng hàng không áp dụng trong trường hợp chậm, hủy chuyến bay?

- Họ nên phản ánh với nhân viên của Cảng vụ Hàng không trực tại các sân bay để được giải quyết. Không phải chỉ được bồi thường 300.000 đồng là xong vì theo Luật Hàng không, hành khách có thể khởi kiện ra tòa dân sự, đòi bồi thường thiệt hại do lỗi của các hãng hàng không ảnh hưởng đến chuyến bay của họ nhưng hành khách phải chứng minh được thiệt hại thực tế.

Theo điều lệ vận chuyển hàng không thì các hãng vận chuyển phải có trách nhiệm chăm sóc khách hàng như cung cấp suất ăn, đồ uống và bố trí phòng khách sạn cho hành khách tùy vào thời gian, mức độ chậm, hủy chuyến bay.

- Xin cảm ơn ông.

Theo TBKTSG

1 nhận xét: