Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

Địa phương cần thực tế khi thu hút các hãng hàng không

Địa phương cần thực tế khi thu hút các hãng hàng không Thứ bảy, 29/08/2009 7:30 AM Sau khi tham dự hội nghị “Xúc tiến, quảng bá du lịch và bàn các giải pháp thu hút các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Huế”, Tổng giám đốc Jetstar Pacific, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam - ông Lương Hoài Nam - cho biết ông đánh giá cao tầm nhìn của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Việt Nam Jetstar Pacific.
Tuy nhiên, trong vai trò Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific - một trong 16 hãng hàng không ký thỏa thuận hợp tác phát triển đường bay đến Huế, ông Nam cho rằng cần có hành động cụ thể để biến tầm nhìn thành hiện thực và để ngành hàng không đóng góp vào việc phát triển du lịch, kinh tế của địa phương.

- Là một người hoạt động trong ngành hàng không, theo ông thì làm thế nào để thu hút các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Huế?

Ông Lương Hoài Nam: Các hãng hàng không đã ký biên bản ghi nhớ để bày tỏ sự quan tâm của họ, nhưng những bản ghi nhớ này có trở thành hiện thực hay không còn nhiều việc phải làm. Các hãng không chỉ bay đến Huế với niềm yêu thích thành phố này mà phải vì lợi ích kinh tế. Do vậy, cần phải có sự hỗ trợ cho các hãng để các lợi ích kinh tế trở thành hiện thực, và cần phải rút kinh nghiệm từ các chính sách áp dụng chưa thành công tại sân bay Đà Nẵng.

Trong hơn 10 năm qua, có nhiều hãng hàng không mở đường bay quốc tế đến Đà Nẵng như Thai Airways và PB Air của Thái Lan, rồi Tiger Airways của Singapore và gần đây có hãng hàng không của Hàn Quốc, nhưng hầu hết đã lặng lẽ ra đi sau một thời gian khai thác. Bây giờ chỉ còn Silk Air của Singapore khai thác đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, và không ai biết được họ có ở lại với Đà Nẵng hay không.

Thế thì lý do là gì? Đơn giản đó là hiệu quả kinh tế. Các hãng hàng không một khi có được hiệu quả kinh tế thì không có lý do gì mà không ở lại cả. Chúng ta phải nhìn vào một bức tranh thực tế tại một địa phương láng giềng của Huế để có cách hỗ trợ cho các hãng hàng không giải quyết bài toán về hiệu quả kinh tế.

- Vậy ông có đề xuất hỗ trợ gì cho các hãng hàng không?

Cục Hàng không Việt Nam đưa ra chính sách giảm 50% phí hạ, cất cánh cho các hãng hàng không trong vòng 6 tháng đầu tiên. Tôi cho rằng chính sách này không có gì mới vì đã được áp dụng tại Đà Nẵng nhưng không giữ chân được các hãng hàng không.

Như vậy, cần có chính sách khác mạnh dạn hơn. Cụ thể, tôi đề xuất miễn phí hạ cất cánh trong vòng 5 năm đầu khai thác tại Huế và 3 năm tại Đà Nẵng. Chính sách này có lợi hơn là thiệt hại nếu mang được nhiều hãng hàng không đến Huế và Đà Nẵng.

- Ông có so sánh gì giữa phí, hạ cất cánh ở Việt Nam với các nước trong khu vực?

Mức phí này tùy thuộc vào loại máy bay, từ 200 đô la Mỹ đến 700 đô la Mỹ/chuyến bay thôi. Một chuyến máy bay đến thì mang nhiều hành khách và một chuyến bay đi cũng chở đi nhiều khách. Mỗi hành khách phải trả lệ phí sân bay, khoảng 5 đô la Mỹ tại một sân bay như Huế, nhưng tổng doanh thu sẽ là quá đủ cho các chi phí phát sinh.

Tôi muốn nói là nếu chính sách về miễn phí hạ, cất cánh thu hút được nhiều các hãng hàng không thì ngành và địa phương chỉ có lãi chứ không lỗ, và nếu đưa ra chính sách rồi mà vẫn chưa hấp dẫn đối với các hãng thì cũng chẳng mất gì. Ngành hàng không cần phải mạnh dạn hơn và đưa ra các chính sách mà các doanh nghiệp thật sự quan tâm.

Phí phục vụ các chuyến bay tại mặt đất ở Việt Nam thường cao, trên dưới 1.000 đô la Mỹ/chuyến cho Airbus A320 và Boeing B737, và đến 2.000-4.000 đô la Mỹ/chuyến cho Boeing B777 hoặc B747 trong khi ở Singapore chỉ khoảng 500 đô la Mỹ và Thái Lan chỉ trên dưới 700 đô la Mỹ. Mức phí tại Việt Nam không phải là mức phí cao quá mức bình thường nhưng muốn thu hút các hãng hàng không thì Việt Nam phải có khuyến mãi.

Các sân bay địa phương đang cần thu hút các hãng hàng không cần giảm mạnh mức phí này. Tôi có đề xuất là chỉ thu khoảng 200 đô la Mỹ và tối đa là 300 đô la Mỹ/chuyến cho A320 và Boeing B737, và đừng quá 500 đô la Mỹ/chuyến cho những loại máy bay lớn hơn như B777.

Sân bay cũng tạo điều kiện cho các hãng hàng không mua những dịch vụ mà họ cần và tránh những biểu hiện áp đặt dịch vụ, có nghĩa là những thứ doanh nghiệp không cần cũng bắt họ phải mua.

Theo ông, Huế nên phát động mở các đường bay từ các thị trường nào?

Khách vào Việt Nam và Huế hiện nay chủ yếu là khách châu Âu, nhưng các đường bay đầu tiên nối với Huế chắc chắn sẽ không phải là các đường bay xuyên lục địa đến châu Âu, Mỹ hay Úc. Lý do là chi phí cho chuyến bay đường dài này tốn khoảng 300.000 đô la Mỹ/chuyến, và 3 chuyến đã mất khoảng 1 triệu đô la Mỹ rồi. Quyết định mở một chuyến bay với chi phí lớn như thế sẽ là một quyết định rất khó khăn và do vậy đừng có đi Mỹ, Úc và châu Âu để phát động mở đường bay đến Huế.

Các đường bay ngắn sẽ có tổng chi phí thấp hơn, từ 30.000 đô la Mỹ đến 70.000 đô la Mỹ/chuyến bay, và do vậy rủi ro sẽ ít hơn nhiều so với các đường bay xuyên lục địa. Cần phải nhắm các thị trường có đường bay tối đa 5 tiếng từ Huế. Các chuyến bay này có thể nối toàn vùng ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong và Đài Loan. Đây là thị trường đủ lớn, nhất là ASEAN là thị trường rất tốt vì khách không cần phải xin thị thực nhập cảnh khi đi du lịch đến Huế.

Nếu Việt Nam làm công tác phát triển thị trường tốt, phát động tốt, chính sách tốt thì một số hãng hàng không sẽ bay thử nghiệm vào Huế. Nếu thành công thì họ sẽ ở lại còn không thì sẽ đi, nhưng sự thử nghiệm này sẽ không quá đắt so với các đường bay dài. Cần phải thực dụng về thị trường để có kế hoạch quảng bá phù hợp.

- Huế và Đà Nẵng là láng giềng của nhau nhưng phải cạnh tranh nhau để thu hút các hãng hàng không quốc tế, liệu có điều gì không ổn?

Hai sân bay Đà Nẵng và Phú Bài (Huế) đã được công bố thành sân bay quốc tế, đây có thể xem là sự cạnh tranh lành mạnh giữa 2 địa phương trong việc nơi nào thu hút tốt hơn các hãng hàng không quốc tế và khách du lịch. Đây cũng có thể là điều hay vì sẽ giúp thu hút các hãng hàng không và khách du lịch quốc tế đến các địa phương này và miền Trung.

- Với vai trò là Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông có đề xuất gì để giúp các hãng hàng không thu hút được nhiều khách khi họ mở đường bay đến Huế?

Lâu nay người ta vẫn xem trách nhiệm chính trong việc thu hút du khách là thuộc về các hãng hàng không, nhưng thực tế, tại Singapore, Thái Lan, Philippines và Hong Kong thì trách nhiệm chính trong việc thu hút khách du lịch là thuộc về các cơ quan du lịch và các hiệp hội du lịch. Họ có những cơ quan chuyên trách về phát động, quảng bá du lịch. Cần xem các hãng hàng không là đối tác vì họ không đủ khả năng để làm thay các cơ quan chuyên trách về du lịch.

Tôi nghĩ ngành du lịch phải phát triển du lịch cấp quốc gia và không thể quảng bá cho riêng Thừa Thiên-Huế. Tôi đề xuất Tổng Cục du lịch cần phải đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài với ngân sách phù hợp.

Nếu phát động du lịch không tốt và không dành một ngân sách hợp lý thì có thể 3 năm trôi qua, 5 năm trôi qua và thậm chí là 10 năm trôi qua cũng sẽ chẳng có một hãng hàng không quốc tế nào mở đường bay đến Huế cả. Lãnh đạo Thừa Thiên-Huế cần phải có sự đột phá trong cách làm thì mới tạo ra sự chuyển dịch được.

Xin cảm ơn ông.

Theo Saigon Times

1 nhận xét: