Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

Mừng và lo ở Vietnam Airlines

Mừng và lo ở Vietnam Airlines Thứ hai, 18/01/2010 10:21 AM Vietnam Airlines đã thực hiện 100% chuyến bay an toàn trong một năm xảy ra nhiều tai nạn hàng không. Nhưng với tổng doanh thu là 24.620 tỉ đồng mà lãi chỉ dừng ở con số 150 tỉ đồng (đạt 0,06%) thì quả là quá ít.


Máy bay hãng Vietnam Airlines.
Liên tiếp vào những ngày cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đã có hai sự kiện có thể coi là đáng mừng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vào ngày 24/12/2009, VNA đón người khách thứ 9 triệu, và vào ngày 13/1/2010 chính thức khai trương đường bay thẳng Hà Nội - Osaka Nhật Bản. Đây là đường bay thẳng thứ 4 nối Thủ đô Hà Nội với Nhật Bản trong ý đồ của VNA biến Hà Nội thành một trung tâm trung chuyển của vùng Đông Nam Á. Muốn đứng từ góc độ nào, hai sự kiện này cũng mang dấu ấn khép lại một năm làm ăn vất vả nhưng ít nhiều thành công của VNA và mở ra những triển vọng trong năm 2010.

Chúng ta nhớ lại những ngày đầu của năm 2009 cùng với các ngành kinh tế, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam thì VNA là một trong những DN mà sản xuất kinh doanh gắn rất mật thiết với những biến động thế giới, đã thực sự lo ngại khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Tình hình những người khách nước ngoài thưa thớt đến sân bay Việt Nam với chiếc khẩu trang y tế đã nói lên mức độ khẩn cấp trong thông tin của dịch cúm toàn cầu. Còn trong nước, sự biến động khôn lường của tỉ giá ngoại tệ như một tác nhân tạo ra những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của VNA…

Nhưng khi nhìn lại năm 2009 của VNA với những kết quả khả quan cũng có thể coi là thành công ít nhiều của VNA. Kết quả cuối cùng thật ấn tượng, là trong khi ngành hàng không trên thế giới năm qua đã để xảy ra không ít tai nạn đáng sợ thì VNA đã thực hiện 73.499 chuyến bay an toàn với hệ số ghế nội địa đạt 81% và quốc tế là 70,4% …

Bên cạnh điều đáng mừng đó thì nhìn chung hoạt động của VNA vẫn lộ ra những điều cần nói. Thứ nhất, với tổng doanh thu là 24.620 tỉ đồng mà lãi chỉ dừng ở con số 150 tỉ đồng nghĩa là chỉ đạt chưa đầy 0,06% thì quả là quá ít. Nhìn vào con số này thêm một lần chúng ta có thể nói hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước quá thấp, càng những doanh nghiệp được Nhà nước chú trọng đầu tư bao nhiêu thì việc làm ăn lại quá kém hiệu quả bấy nhiêu. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã nêu giải pháp về cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước để có thể cải thiện chỉ số Icor (chỉ số về vốn đầu tư cho tăng trưởng) ở Việt Nam.

Ở VNA quá trình này lại đang có nhiều lý do để chậm trễ. Ông Nguyễn Sĩ Hưng, Chủ tịch HĐQT VNA, giải thích, cuối năm 2008 mọi thủ tục để phục vụ cổ phần hóa ở VNA đã hoàn tất nhưng do khủng hoảng tài chính toàn cầu nên phải tạm dừng lại chờ ý kiến Thủ tướng. Còn hiện nay VNA cũng lúng túng vì giá thuê tư vấn nước ngoài để định giá tài sản của TCty quá đắt nên hạn định vào ngày 1/7/2010 không kịp chuyển sang Cty TNHH một thành viên vì đến hết năm 2010 này may ra mới xong thủ tục.

Đó là việc cổ phần hóa, còn trong việc thực hiện các chuyến bay thì vài năm gần đây ở không ít tuyến vận tải nhất là ở các tuyến nước ngoài, các vụ sai phạm của nhân viên các đoàn bay thuộc VNA ngày càng nhiều nhất là trong năm 2009 và thành phần vi phạm không chừa một lĩnh vực nào. Bình thường nhất là giờ bay chậm trễ, thái độ phục vụ của tiếp viên không đúng mực với khách hàng, cao là các vụ vi phạm, pháp luật như buôn lậu, chở hàng ăn cắp… đã làm phương hại rất nhiều đến thương hiệu VNA nói riêng và danh dự quốc gia nói chung…

Trong liên danh liên kết, VNA đang xúc tiến mạnh với Hãng Hàng không Nhật Bản (Japan Airlines) vào năm 2010 trong khi cổ phần của hãng này đã tụt đến 45% một chỉ số tụt chưa từng thấy trong quá trình phát triển của hãng này và có nguy cơ phá sản. Ông Phạm Ngọc Minh - TGĐ VNA - lại giải thích sự phá sản này phù hợp để họ cơ cấu lại DN. Điều này VNA cũng cần tính toán kĩ, nếu không sự liên danh này sẽ là một tiềm ẩn trong sự chọn lựa đối tác tạo ra tình huống đâm lao phải theo lao của VNA mà mọi sự thua thiệt trong kinh tế cuối cùng lại dồn về Nhà nước gánh chịu trong cơ cấu “doanh nghiệp Nhà nước là xương sống của nền kinh tế” này.
Theo VOV

1 nhận xét: