Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Nên cho bay thử nghiệm “đường bay vàng” để đánh giá hiệu quả

"Phải bay thử để đánh giá hiệu quả" Thứ bảy, 12/09/2009 8:25 AM Nhiều ý kiến cho rằng, nên cho bay thử nghiệm “đường bay vàng” để có những số liệu chính xác làm cơ sở so sánh với đường bay hiện hữu.

Ngày 11/9 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia, kỹ sư cùng các cựu cán bộ trong ngành hàng không không quân Việt Nam đã có buổi thảo luận về “đường bay vàng”.

Theo cựu trung tá không quân Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng quản lý bay, sân bay Tân Sơn Nhất, người đã có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không không quân, việc rút ngắn thời gian được 1 đến 2 phút đối với an toàn bay là cực kỳ quan trọng về cả khía cạnh kinh tế.

Trong khi đó, “đường bay vàng” tiết kiệm được thời gian bay 7 phút và rút ngắn được quãng đường 110 km so với đường bay cũ là lợi ích cực kỳ lớn và cần được xem xét kỹ.

Ông Mai Trọng Tuấn đề nghị, Cục Hàng không Việt Nam nên cho bay thử một chuyến trên "đường bay vàng" . (Ảnh: Ca Hảo)

Ông Mai Trọng Tuấn đề nghị, Cục Hàng không Việt Nam nên cho bay thử một chuyến trên "đường bay vàng" . (Ảnh: Ca Hảo)

Ông Sành cho rằng, nên đề nghị Thủ tướng cho bay thử 1 chuyến xem lợi ích kinh tế như thế nào. Còn về vấn đề an ninh quốc phòng, nên để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có ý kiến đóng góp, trình bày với Thủ tướng.

“Hiện nay, sức mạnh kinh tế cũng chính là sức mạnh quốc phòng vì vậy nếu ý tưởng của ông Mai Trọng Tuấn mang lại hiệu quả kinh tế lớn thì một vài trở ngại nhỏ trong vấn đề an ninh quốc phòng cũng dễ dàng giải quyết được”, ông Sành nói.

Ngoài ra, theo ông Sành, nếu đánh giá được hiệu quả để đưa vào sử dụng đường bay thẳng đi qua 3 nước Đông Dương, thì đây sẽ là xương sống của hàng không Việt Nam.

Không những vậy, việc rút ngắn khoảng cách bay khiến nhiều hãng hàng không quốc tế sẽ lựa chọn đường bay này khi đến Hà Nội, hay từ Trung Quốc, Nga… bay sang các nước như Singapore, Thái Lan, Myanma… và ngược lại.

Khi đó, không những mang lại lợi ích cho hai nước bạn mà ta cũng sẽ được hưởng lợi (thu phí) từ đường bay này. Đường bay liên minh này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho các thế hệ sau này.

Còn Th.s Đinh Lê Khánh Quốc, công tác tại Tổng công ty Xây dựng số 1 cho rằng, trong bất kì nghiên cứu về lĩnh vực nào, nếu có điều kiện thì cứ thử nghiệm để đánh giá có phù hợp hay không.

Ông Đoàn Văn Quảng, một cán bộ cục hàng không dân dụng Việt Nam đã nghỉ hưu cho rằng, muốn đánh giá phải xem xét đường bay có lợi cho việc bay hay không, có chướng ngại gì cần khắc phục, hiệu quả kinh tế của việc khắc phụ, trong đó có xét đến độ ngắn dài.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn bay cần phải đạt lên hàng đầu, trong đó vấn đề thời tiết và địa hình là quan trọng đến việc đường bay có cắt ngang đường bay khác không.

Nếu tính đường bay thẳng lợi 7 phút mà phải tránh những đám mây giông mất gần chục phút thì nguy hiểm, cần tính cụ thể; việc thiết lập các trạm dẫn đường mặt đất mới cho đường bay này liệu có tốn kém lắm không?

“Xét ở góc độ nhân đạo, bay ở ngoài biển nguy hiểm hơn rất nhiều so với bay trên đất liền. Đặt giả thiết, trong trường hợp xấu nhất, nếu có tai nạn máy bay xảy ra, thương vong sẽ giảm rất nhiều nếu bay trên đất liền. Tệ hơn nữa thì cũng có thể tìm thấy xác, thấy hộp đen, chứ không bi đát như các vụ tai nạn hàng không trên biển gần đây, khi mà hộp đen và ngay cả nạn nhân không tìm thấy được”, ông Lê Trọng Sành nói.

Ông Trần Đình Bá, Phó Tổng Giám đốc Công ty Glittering Star J.S.C cho rằng, đặc tính quan trọng của ngành hàng không là bay thẳng qua 2 điểm.

Vậy mà đã hơn 30 năm nay từ Hà Nội đến TP.HCM chỉ có 1.140 km mà phải bay qua 7 điểm với 6 “khúc” bay manh mún, lòng vòng, gây lãnh phí, mất thời gian.

Theo cách tính của ông Bá, đường bay vàng đạt hiệu quả 100%, sau khi đã trả chi phí quá cảnh hơn 13,5 triệu USD vẫn tiết kiệm được trên 45 triệu USD mỗi năm.

Ngoài ra, hàng chục triệu hành khách, các hãng hàng không, Nhà nước sẽ được hưởng lợi bền vững, lâu dài. Đây là một “cầu hàng không huyết mạch”, tối ưu nối thẳng hai thành phố Hà Nội -TP.HCM theo hiệp định “bầu trời mở” mà hiệu quả mang lại cho cả ba nước là rất lớn trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, an toàn môi trường, mối đoàn kết quốc tế và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Theo ông Nguyễn Thiện Tống, Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM, một điều chắc chắn rằng nếu bay trên “đường bay vàng” sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi gió hơn đường bay hiện nay, nhất là những lúc giông bão, vì hầu hết gió từ biển thổi vào đã bị dãy núi Trường Sơn che chắn.

Theo Vietnamnet

1 nhận xét: